Những vấn đề tại các giải bóng rổ Quốc gia, trách nhiệm thuộc về ai?

Giải bóng rổ Vô địch Quốc gia 2021 đã khép lại với rất nhiều dấu ấn đáng kể về mặt chuyên môn. Sóc Trăng phá thế độc tôn của Tp.Hồ Chí Minh khi đánh bại đội bóng này ở cả 2 nội dung Chung kết 5×5 và 3×3. Nữ Cần Thơ cũng tạo nên cơn địa chấn khi giành Vàng ở nội dung 3×3!

Thế nhưng trong bức tranh chuyên môn sặc sỡ với nhiều dấu ấn đậm nét, đâu đó người ta vẫn phải thở dài vì những vấn đề liên quan tới khâu tổ chức. Hình ảnh nhà thi đấu đã xuống cấp, điều hoà khi dùng được khi không, rổ méo, sân dột, chất lượng livestream thất thường như mùa mưa Sài Gòn, tất cả khiến người hâm mộ phải đặt dấu hỏi về cách làm việc của Ban tổ chức?

Sân dột tại giải VĐQG 2020 khiến BTC phải sử dụng khăn thấm nước ngay trong khu vực thi đấu

Vậy thì BTC ở đây là ai? Theo Thông tư liên tịch được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch ký vào ngày 30/12/2011 có quy định rõ, các giải đấu thể thao trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam đều được Tổng cục Thể dục Thể thao chịu trách nhiệm tổ chức!

Cụ thể với bộ môn bóng rổ, trách nhiệm tổ chức các giải đấu như Đại hội Thể dục thể thao, các giải Vô địch Quốc gia, giải Trẻ Quốc gia,… đều thuộc về thành viên chuyên trách bóng rổ của Tổng cục. Cũng theo thông báo số 179/TCTDTT-VP được ký vào ngày 1/3/2018, toàn bộ tiền lệ phí giải đấu cũng được Tổng cục thu.

Liên đoàn bóng rổ Việt Nam chỉ hỗ trợ về những vấn đề chuyên môn như cầu thủ, trọng tài,… Cũng vì thế những vấn đề về khâu tổ chức như sân bãi, livestream, ăn ở vốn không thuộc trách nhiệm của VBF mà thuộc về đơn vị chuyên trách bóng rổ của Tổng cục Thể dục Thể thao.

Những vấn đề tại các giải bóng rổ Quốc gia, trách nhiệm thuộc về ai?
Poseidon Ninh Thuận là nét chấm phá mới tại các giải VĐQG gần đây. Ảnh: Việt Long

Đây là câu chuyện mà không chỉ Liên đoàn bóng rổ Việt Nam, các môn thể thao khác cũng gặp chung vấn đề. Vì vậy nếu không tìm hiểu sâu và kỹ, đa số người hâm mộ sẽ hiểu nhầm rằng trách nhiệm tổ chức thuộc về các Liên đoàn, thay vì ban chuyên trách của Tổng cục!

Mặc dù giải bóng rổ Vô địch Quốc gia vẫn còn những thiếu sót về khâu tổ chức, tuy nhiên mô hình xã hội hoá bóng rổ phần nào mang lại những kết quả tích cực. Đã có sự xuất hiện của những đơn vị tư nhân góp mặt tại giải VĐQG như Poseidon Ninh Thuận, Italy Sport Nghệ An, Thang Long Warriors hay HCM City Wings. Qua đó tạo thêm sân chơi, sự cạnh tranh giúp bóng rổ ngày một đi lên!

Thế nhưng để tạo nên sân chơi chất lượng cho các VĐV, rõ ràng BTC cần phải nghiêm túc xem xét những vấn đề trong khâu tổ chức, để các cầu thủ có thể yên tâm cống hiến cho người hâm mộ những trận đấu đỉnh cao, qua đó thu hút thêm những nhà tài trợ giàu tâm huyết với bóng rổ nước nhà!

Bài trướcBéo phì là bệnh, cha mẹ đừng chỉ nghĩ đến phòng ngừa
Bài tiếp theoMẹ 1m58, con gái tăng đều 10cm mỗi năm nhờ nguyên tắc thực đơn 15 thành phần